Quản lý rủi ro dự án

Rủi ro có thể xem như là một sự kiện hay một hoạt động có tiềm năng xảy ra trong tương lai và khi nó xảy ra thì sẽ có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến dự án. Rủi ro có thể được đánh giá theo 2 nhân tố: tác động và khả năng xảy ra – khi rủi ro xảy ra thì người ta gọi nó là vấn đề (issue) của dự án.

Quản lý rủi ro giúp giảm thiểu, giám sát và điều khiển tính khả thi hoặc tác động của các sự kiện không dự đoán được hoặc tối đa hóa sự nhân dạng các cơ hội. Việc này được thực hiện qua 6 quy trình như sau:

  1. Lập kế hoạch quản lý rủi ro (Plan Risk Management): là quy trình xác định các hoạt động cần thực hiện để quản lý rủi ro dự án. Lợi ích của quy trình này là đảm bảo mức độ, tầm nhìn và các loại hoạt động quản lý rủi ro tương xứng với cả rủi ro và tầm quan trọng của dự án trong tổ chức.
  1. Xác định rủi ro (Identify Risk): là quy trình xác định rủi ro nào có thể ảnh hưởng đến dự án và lập tài liệu về các đạc điểm của nó. Lợi ích của quy trình này là có 1 tài liệu đầy đủ về các rủi ro đang tồn tại và kiến thức cũng như khả năng mà danh sách rủi ro cung cấp giúp đội dự án dự đoán các sự kiện.
  1. Phân tích định tính rủi ro (Perform Qualitative Risk Analysis): là quy trình sắp xếp thứ tự ưu tiên các rủi ro dựa vào khả năng xuất hiện và ảnh hưởng của từng rủi ro. Lợi ích của quy trình này là cho phép các nhà quản lý dự án giảm mức độ không chắc chắn và tập trung vào rủi ro có độ ưu tiên cao.
  1. Phân tích định lượng rủi ro (Perform Quantitative Risk Analysis): là quy trình phân tích số liệu cụ thể về mức độ ảnh hưởng của các rủi ro tới mục tiêu dự án. Lợi ích của quy trình này là cung cấp các thông tin định lượng về rủi ro nhằm giảm mức độ không chắc chắn của dự án.
  1. Lập kế hoạch phản ứng rủi ro (Plan Risk Response): là quy trình đưa ra các lựa chọn và hành động để tăng cường cơ hội và giảm thiểu đe doạ tới mục tiêu dự án. Lợi ích của quy trình này là xác định mức độ ưu tiên của các rủi ro, thêm nguồn lực và các hoạt động cần thiết vào dự án tuỳ vào chiến lược phản ứng cho từng rủi ro được chọn.
  1. Kiểm soát rủi ro (Control Risks): là quy trình hiện thức kế hoạch phản ứng rủi ro, theo dõi các rủi ro đã được xác định, giám sát các rủi ro còn lại, xác định rủi ro mới, và đánh giá hiệu quả của quy trình quản lý rủi ro. Lợi ích của quy trình này là cải thiện hiệu suất của cách tiếp cận rủi ro trong suốt vòng đời quản lý dự án để liên tục tối ưu các phản ứng rủi ro.

Ý kiến của bạn